Hiện nay, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đã dẫn tới thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhất là các mặt hàng nông sản không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo … gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, đe doạ đến tính mạng và sức khoẻ của cộng đồng.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng, cần xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
Mục lục:
Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch là gì?
Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch là mô hình sản xuất hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nguồn phân bón chủ yếu được sử dụng là phân bón hữu cơ được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với các ưu thế từ địa bàn, khiến cho vốn đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp tự nhiên thấp và giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Đối tượng áp dụng chủ yếu của mô hình sản xuất nông nghiệp sạch là rau ăn lá kết hợp với việc phát triển hệ thống canh tác gồm có hệ thống trồng rau thủy canh tĩnh, thủy canh hồi lưu, aquaponic, khí canh, tưới nhỏ giọt trên nền giá thể… Các mô hình này đều có một số điểm chung như đều canh tác trong nhà màng kết hợp hệ thống giảm nhiệt như lưới cắt nắng hay tưới phun sương, ứng dụng các hệ thống quản lý môi trường canh tác một cách nghiêm ngặt.
>>Xem thêm:
Kỹ thuật trồng rau bí theo hướng khai thác ngọn.
Kỹ thuật trồng bí xanh cao sản.
Ý nghĩa của mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
- Cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
- Cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên hệ sinh thái nông nghiệp.
- Tránh việc khai thác mức gây ô nhiễm cho nguồn lực tự nhiên.
- Giảm thiểu việc sử dụng lượng nguồn lực tái sinh.
- Sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, có chất lượng cao.
- Đảm bảo, trì gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố chu kỳ sinh học nông trại, đặc biệt chu trình dinh dưỡng.
- Bảo vệ cây trồng dựa việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng vụ mùa loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…
Một số mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Việc sản xuất nông nghiêp ứng dụng các phương pháp tự nhiên và củng cố và phát triển hệ sinh thái bản địa, kết hợp với hệ thống quản lý thông minh giúp tiết kiệm nước và cân bằng điều kiện canh tác. Dưới đây là một số mô hình sản xuất nông nghiệp sạch an toàn và có hiệu quả cao đang được áp dụng.
Nhà lưới chống côn trùng – giảm việc sử dụng thuốc BVTV
Việc áp dụng nhà lưới chống côn trùng đúng quy chuẩn có thể hạn chế sự tấn công từ các loại sâu bệnh hại, từ đó giảm và ngưng việc sử dụng các loại thuốc BVTV. Nhà lưới trong mô hình là kiểu nhà lưới kín, sử dụng khung thép, độ cao 2,5 – 3 m, lưới sử dụng là lưới chống côn trùng đạt tiêu chuẩn kích thước lỗ từ 100 g/cm3, đảm bảo độ bền và độ thông thoáng.
Phân bón hữu cơ
Lượng phân chuồng hoai mục sử dụng trong canh tác rau an toàn chiếm 90% tổng lượng phân bón sử dụng (trong cả hai giai đoạn bón lót và bón thúc), phân chuồng hoai mục đa phần có nguồn gốc từ phân bò, dê và phân gà, đáp ứng được nhu cầu phân bón, đồng thời chi phí vận chuyển thấp.
Diệt cỏ bằng phương pháp che phủ
Phương pháp diệt cỏ truyền thống không thể tránh khỏi sự lệ thuộc và lạm dụng các loại thuốc diệt cỏ có nguồn gốc hóa học.
Phương pháp che phủ dựa trên nguyên lý loại bỏ các điều kiện thích hợp cho sự phát triển của cỏ như cách ly ánh sáng, loại bỏ không gian phát triển. Vật liệu che phủ có thể là các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, lá cây… Với quy mô canh tác lớn, các thùng giấy hay màng phủ nông nghiệp có thể được sử dụng với hiệu quả diệt cỏ hoàn toàn sau 7 ngày che phủ. Đồng thời dinh dưỡng của đất có thể được cải thiện bởi nguồn dinh dưỡng từ sự hoai mục của cỏ.
Hệ thống giám sát IoT – phương pháp quản lý canh tác và tiết kiệm
Nông nghiệp ứng dụng IoT là việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh đến chế biến, tiêu dùng thông qua các thiết bị cảm biến, công nghệ điều hành và tự động hóa. Việc lắp đặt các bộ cảm biến (bao gồm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ, pH đất) kết hợp với phần mềm quản lý, việc giám sát các điều kiện canh tác được tốt hơn, tiết kiệm lượng nước tưới hiệu quả và năng suất cây trồng ổn định.
Quản lý dịch hại tổng hợp
Nhiều quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo phương thức “quản lý dịch hại tổng hợp” như: “ruộng lúa, bờ hoa”, “vườn rau, bờ hoa”,… hoặc sử dụng các chất dẫn dụ côn trùng nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa rất hiệu quả, những khóm hoa trên bờ ruộng không chỉ thu hút ong ký sinh mà còn thu hút nhiều loại ong có ích khác. Bên trong đồng ruộng, mật số thiên địch như: nhện lùn, nhện lưới, nhện linh miêu, bọ xít mù xanh, bọ rùa, muồm muỗm, chuồn chuồn kim… rất nhiều. Cũng nhờ có đám côn trùng này mà trong suốt từ đầu vụ đến nay cây lúa phát triển rất tốt. Thực hiện mô hình không hề bị rầy nâu hay sâu cuốn lá gì tấn công hết. Hiện tại, hai bên đường ruộng lúa trồng hoa sao nhái, những thứ hoa dại này không chỉ đẹp, mà còn dẫn dụ côn trùng rất tốt và đặc biệt là “khắc tinh” của loài chuột. Mùi hương của hoa làm loài chuột rất khó chịu, nên chúng không đám đến gần. Rất nhiều loài côn trùng thích ăn mật hoa và phấn hoa vì có nhiều chất đường, protein… Đặc biệt, những loài ra có màu trắng và màu vàng có nhiều phấn sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đến hút mật, đẻ trứng và tấn công các loài sâu hại. Chính vì vậy, nông dân không phải sử dụng thuốc trừ sâu, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa tạo ra sản phẩm sạch không có dư lượng thuốc trừ sâu.
Mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không”
Mô hình trồng rau hữu cơ là mô hình được sản xuất theo phương pháp tuân thủ các tiêu chuẩn của canh tác hữu cơ. Canh tác hữu cơ có các thực hành xoay vòng các nguồn lực, thúc đẩy cân bằng sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Đặc biệt sản xuất theo mô hình hữu cơ phải tuân thủ nguyên tắc 6 không sau đây:
+ Không phân bón hóa học,
+ Không thuốc trừ sâu hóa học,
+ Không thuốc diệt cỏ,
+ Không biến đổi gen,
+ Không kích thích sinh trưởng,
+ Không thuốc bảo quản
Mô hình sản xuất hữu cơ ngày càng được mở rộng và ngày càng phổ biến bởi mối quan tâm của người tiêu dùng đối với sức khỏe cá nhân và môi trường ngày càng tăng.
Những khó khăn khi áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch vừa tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng vừa bảo vệ môi trường và giữ vững môi trường sinh thái. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này vẫn còn nhiều bất cập cần phải quan tâm, cụ thể như sau:
- Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp nước ta chưa phổ biến vì đa số các mô hình sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.
- Việc sử dụng phân hữu cơ, vi sinh vào trồng trọt cũng rất ít vì nhiều nông dân vẫn chưa được tiếp cận các thông tin từ các sản phẩm uy tín, chất lượng.
- Hơn nữa, nếu áp dụng đúng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đòi hỏi giá thành đầu ra ít nhất phải cao gấp1,5 lần so với giá thị trường thì người nông dân mới có lãi. Nhưng thị hiếu của người tiêu dùng luôn cũng chọn giá thành phải rẻ cho nên các mô hình sản xuất sạch, an toàn chưa thật sự phổ biến rộng rãi, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng.
Giải pháp khắc phục những khó khăn khi áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Chính quyền địa phương các cấp cần thay đổi văn hóa sản xuất của nông dân qua công tác hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã để giúp nông dân liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức nhằm nâng cao ý thức trong sản xuất kinh doanh, đồng thời thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp hữu cơ, cung ứng cho thị trường những nông sản sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.Thực hiện từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, thì sản phẩm mới được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Như vậy các sản phẩm nông sản sạch, an toàn sẽ dần dần chiếm lĩnh thị trường và người nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm để khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch. Có thể kể điểm qua một số chính sách như: Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Chính phủ xác định phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao là chiến lược của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với xu thế chung của thế giới, việc sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Quyết định 176/QĐ- TTg ngày 29/01/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 là một động thái thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ đối với nền nông nghiệp sạch.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2018, cả nước có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực. Trong đó có 12 doanh nghiệp lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản và 09 doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi.
Vậy việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân, nông nghiệp sạch tăng chất lượng của sản phẩm, dẫn tới giá thành sản phẩm lên, giúp nông dân tăng thu nhập và có được niềm tin của người tiêu dùng.